Heo con bị què do mắc hội chứng Splayleg
Hiện tượng heo con sau khi sinh bị choãi chân sang hai bên gặp khá nhiều trong thực tế và là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong tăng cao do những heo con này thường bị heo nái mẹ đè chết.
Heo con bị choãi hai chân sau ra ngoài.
Một số diễn biến của heo con mắc hội chứng Splayleg thường gặp trong thực tế như sau:
– Heo bị mắc hội chứng Splayleg lẻ tẻ trong một khoảng thời gian ngắn làm ảnh hưởng tới 20% số heo con sơ sinh trong đàn, thậm chí hơn.
– Thỉnh thoảng phát hiện heo con bị mắc hội chứng Splayleg trên đàn con của một số heo nái nhất định hoặc trên một số lứa đẻ của đàn.
– Xuất hiện heo què và diễn ra dai dẳng, mãn tính trong đàn.
Hội chứng này tự bản thân nó không giết chết heo con nhưng lại là nguyên nhân làm cho heo con đói, lạnh và bị heo mẹ đè chết nên tỷ lệ tử vong có lúc lên tới 100% trên toàn bộ heo bị ảnh hưởng.
Các dạng biểu hiện cơ bản của hội chứng Splayleg trên heo con.
- Heo con bị choãi cả 4 chân và không thể đi lại mà chỉ có thể bò.
Heo con bị choãi cả 4 chân – “Star”.
- Choãi 2 chân sau: đây là hình thức phổ biến nhất của hội chứng này. Heo con thường ngồi kiểu “chó ngồi” nên da vùng mông và các bộ phận sinh dục phía sau thường bị viêm nhiễm, tổn thương.
Heo con bị choãi 2 chân sau – đây là trường hợp khá phổ biến.
- Choãi 2 chân trước: dạng biểu hiện này là khá hiếm – chỉ nhìn thấy nhiều trong những ngày đầu của đợt bùng phát dịch tai xanh cao điểm. Hai chân sau làm việc bình thường, hai chân trước bị choãi sang hai bên nên heo con chỉ có thể di chuyển bằng cằm và hai chân trước. Những heo con này thường gặp nhiều khó khăn trong việc bú sữa mẹ và tỷ lệ tử vong thường rất cao.
Chỉ hai chân trước bị què (mẫu heo con bị PRRS).
Các nguyên nhân dẫn đến hội chứng splayleg trên heo con.
Splayleg là một hội chứng do rất nhiều nguyên nhân gây ra, hai trường hợp ít gặp hơn là choãi cả 4 chân và choãi 2 chân trước thường do các tác nhân gây nhiễm trùng, gây quái thai hoặc thậm chí là các nguyên nhân gây ngộ độc bào thai trong chu kỳ mang thai cuối gây ảnh hưởng tới các dây thần kinh và sự phát triển của cơ bắp heo con. Cả hai trường hợp trên thường xuất hiện trong trường hợp bệnh PRRS cấp tính.
Choãi hai chân sau là trường hợp phổ biến nhất mà chúng ta thường gặp trong thực tế, tuy nhiên chúng có biểu hiện không rõ ràng. Một số nguyên nhân trong thực tế thường làm xuất hiện heo con mắc hội chứng choãi hai chân bao gồm:
- Heo con của heo mẹ giống Landrace.
- Do heo con quá nhỏ, yếu.
- Heo con sinh ra trong chuồng nuôi có nền quá ướt.
- Hội chứng này thường xuất hiện cùng triệu chứng run bẩm sinh trên heo con – được cho là gây ra bởi một loại Pestivirus mới có ảnh hưởng đến heo nái hậu bị và heo nái tơ trong giai đoạn đầu đến giữa thời kỳ mang thai.
- Thực tế đã chứng minh hội chứng này không bị ảnh hưởng của mùa nên không có tính chất mùa vụ.
Lý giải về nguyên nhân gây ra hội chứng này, các nhà khoa học cho rằng có thể là do cơ bắp hoặc dây thần kinh của heo con đã bị ảnh hưởng từ trong bào thai do di truyền hoặc do chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, nhiễm độc bào thai, quản lý chấn thương cơ học cho heo nái chưa tốt. Lưu ý, Mycotoxin cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến heo nái mang thai (và gián tiếp ảnh hưởng tới heo con) mà ta cần chú ý.
Đàn heo mới sinh có một heo con bị mắc hội chứng Splayleg.
Ngoài ra, khi heo con được sinh ra trong một môi trường cạnh tranh cao thì các cơ bắp cũng có thể bị căng thẳng và tổn thương dẫn đến què.
Phòng ngừa hội chứng Splayleg trên heo con.
Hội chứng Splayleg trên heo con được công nhận là một trong những vấn đề quan trọng cần lưu ý trong đàn heo vì mức độ gây tử vong của nó khá cao. Vậy nên khi phát hiện heo con mắc hội chứng này, việc đầu tiên là chúng ta cần liên hệ ngay với bác sỹ thú y gần nhất.
Hội chứng Splayleg trên heo con có tỷ lệ tử vong khá cao.
Mọi yếu tố bất thường đều có thể là nguyên nhân gây bệnh như: chính sách chăn nuôi, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, chuồng trại heo nái mang thai mà đặc biệt là các sàn trong khu vực đẻ.
Việc cung cấp đệm lót sàn và nền chuồng phù hợp cho heo nái xung quanh thời kỳ đẻ có thể giúp giảm tối đa tỷ lệ heo con mắc hội chứng này. Giấy vụn là một vật liệu khá hữu dụng trong trường hợp này. Ngoài ra, thảm cao su cũng là một trong những vật dụng hữu ích và nên sử dụng đặc biệt là sau khi heo con được sinh ra và trong những chuồng heo có sàn làm bằng các thanh sắt.
Điều trị hội chứng Splayleg trên heo con.
Hai trường hợp đầu tiên là heo con bị choãi cả bốn chân và choãi hai chân trước dù ít gặp nhưng để khắc phục thì tốt nhất là nên chăm sóc thật tốt cả heo con và heo mẹ ngay từ đầu.
Đối với những heo con bị choãi 2 chân sau, có thể được chữa lành nếu như chúng ta chăm sóc tốt và kiên trì. Trong vài giờ đầu tiên sau khi được sinh ra, vì chân không thể đi lại bình thường để bú nên chúng ta có thể hút riêng sữa đầu cho những heo con bị què để đảm bảo chúng không bị yếu về sau vì thiếu sữa đầu.
Một trong những cách cố định để điều trị khi heo con mắc hội chứng Splayleg.
Hỗ trợ heo bú để đảm bảo lượng sữa đầu đầy đủ xen kẽ đó cũng nên xoa bóp cho hai chân sau của heo và cung cấp đủ nhiệt cho chúng đặc biệt là trong là 24-48h đầu. Những việc làm nhỏ đó có thể giúp giảm đáng kể số heo con bị què.
Phương pháp truyền thống trong việc điều trị những heo này hiện tại vẫn là cố định ở khuỷu của hai chân sau. Trong thực tế người ta thường sử dụng băng keo cách điện, tuy nhiên cần lưu ý kiểm tra và loại bỏ thường xuyên trước khi băng keo cắt vào chân heo con.
Nút cố định khuỷu chân sau.
Ngoài ra, để kiểm soát các khớp hông và tránh tổn thương nặng thêm, chúng ta nên cố định cả phần mông phía sau lại bằng cách dùng băng keo dán hông lại với nhau (xem ảnh 5). Khi cố định nên lưu ý một số vấn đề như thời gian thay băng (tốt nhất là không nên quá 3-5 ngày), không dính quá chặt và lớp băng keo không được chặn phần hậu môn hay âm hộ của heo con.
Nút cố định hông.
Phương pháp thủ công mà hiệu quả nhất nữa vẫn là xoa bóp. Trong một đến 2 ngày đầu sau sinh, nếu có thể thì cứ xoa bóp cho heo con khoảng 5 phút mỗi tiếng sẽ cho kết quả hồi phục tốt nhất. Và nếu heo con được xoa bóp thì không nên cố định hai chân sau vì phương pháp xoa bóp là để kích thích cơ vận động nên nếu cố định thì chân sẽ không thể hoạt động được nữa. Đối với những heo bị teo, liệt cơ thì phương pháp này không còn hiệu quả.
Hỗ trợ hút sữa hoặc thậm chí cho ăn nhân tạo là những việc làm cần thiết để giữ heo con sống sót đủ lâu để hồi phục. Đối với những heo quá nặng và không có khả năng phục hồi chúng ta nên tiêu hủy càng sớm càng tốt.
Chi phí thiệt hại ước tính.
Ngoài các thiệt hại về chi phí tăng cao do phải tuyển thêm nhân công chăm sóc riêng cho những heo con bị bệnh thì người ta còn ước tính được như sau:
Với một con heo cai sữa giá trung bình khoảng 30 Euro (tương đương hơn 780 nghìn) – giá ở thời điểm trong năm 2015, với tỷ lệ tử vong do splayleg khoảng 1% thì với một trại heo 600 nái, mỗi năm sẽ thiệt hại khoảng 5000 Euro (tương đương 130 triệu Việt Nam đồng).
Nguồn: VietDVM